HỎI ĐÁP | Hỏi đáp sản khoa

PHẦN HỎI ĐÁP SẢN KHOA

H- Cho em hỏi, em mang bầu tháng thứ 7, nhưng có một số biểu hiện khiến em lo lắng về khả năng sinh sớm. Xin bác sĩ tư vấn cách thức, chế độ ăn để giữ được thai nhi trong bụng theo đúng số ngày, tháng. Xin cảm ơn !

Đ-Em nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước trong ngày (trên 2 lít), giữ chế độ làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng và nên khám thai đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, em cũng nên đến khám khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường của thai kỳ như: thai máy ít, tử cung gò cứng, có ra dịch bất thường ở âm đạo...

H- Thưa bác sĩ, tôi đã lập gia đình được 2 năm và đã từng bị sẩy thai một lần cách đây gần một năm. Bây giờ tôi muốn có con lại nhưng lại sợ bị sẩy vì tôi nghe nói đã bị một lần rồi thì những lần sau khó giữ? Tôi rất hoang mang và lo lắng. Mong bác sĩ chỉ giúp tôi làm cách nào để tránh bị sẩy thai lại lần sau. Xin cảm ơn! 

Đ-Thông thường cứ 100 phụ nữ mang thai giai đoạn sớm thì có 10-15 trường hợp bị sẩy thai. Nguyên nhân phần lớn là do bất thường về di truyền, còn lại là do bất thường của tử cung, một số bệnh lý nội khoa - chuyển hóa và có thể do suy hoàng thể. Em đã từng sẩy thai một lần, nay có thai cần khám theo dõi thai. Khi đó em nên thong báo " tôi từng bị sẩy thai", để được tầm soát một số nguyên nhân có thể điều trị được. Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Progesteron tự nhiên để dự phòng sẩy thai. Em cũng không cần lo lắng quá vì có thể sẽ ảnh hưởng đến thai. Em nên nhanh chóng tìm một cơ sở y tế đáng tin cậy để khám và điều trị trực tiếp.

H- Em đang có thai tuần 31 nhưng tình trạng của em là bị vách ngăn tử cung 5,5mm và nhân xơ nhỏ. Siêu âm thai phát triển bình thường và mẹ cũng rất khoẻ mạnh. Nhưng em nghe nói là bị vách ngăn thường sinh non và đẻ mổ do thai lớn thì tử cung sẽ chật chội, em bé khó di chuyển trong bụng mẹ. Trường hợp của em nếu về quê sinh bằng máy bay tuần 32 thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Và em phải làm gì để hạn chế sinh non khi bị vách ngăn như vậy? Dấu hiệu để biết săp sinh?

Đ-Nhân xơ nhỏ ở tử cung thường không gây sinh non. Vách ngăn tử cung tùy mức độ nhiều hay ít có thể dẫn tới việc sinh non. Để xác định em có nguy cơ sinh non hay không thì cần theo dõi thai tại phòng khám chuyên khoa sản có uy tín. Trong quá trình theo dõi, bác sĩ sẽ tiên lượng được nguy cơ sinh non nhiều hay ít, đồng thời sẽ có những biện pháp điều trị thích hợp nhằm kéo dài hơn thời gian thai nhi nằm trong bụng mẹ. Trong trường hợp có dọa sinh non do vách ngăn tử cung, em không nên đi máy bay sau tuần thứ 32 vì có nguy cơ sinh trên đường đi. 

Sinh mổ hay sinh thường tùy chỉ định của bác sĩ theo từng trường hợp cụ thể, chứ không phải vách ngăn tử cung là bắt buộc phải sinh mổ.

Dấu hiệu sắp sinh thường gặp là: có cơn đau tử cung đều đặn ít nhất mỗi 10 phút và có ra dịch âm đạo (dịch nhầy màu hồng), hoặc ra nước âm đạo lượng nhiều...

H- Xin bác sĩ cho hỏi: năm nay vợ chồng tôi đã cưới nhau được hơn 3 năm, vợ tôi đã mang thai 2 lần lvà đều bị sẩy. Vợ tôi có khám tại BV và bác sĩ cho thuốc uống và dặn 4-6 tháng có thai lại và mới đây vợ tôi lại có thai nhưng được 6 tuần thì lại xảy thai lần nữa bây giờ xin bác sĩ cho một lời khuyên là làm sao để cho vợ tôi không bị sẩy thai nữa.

Đ-Vợ em đã bị sẩy thai 3 lần, nên việc đầu tiên cả hai vợ chồng nên đi khám kiểm tra sức khỏe trước khi có kế hoạch mang thai vì 50% trường hợp sẩy thai hơn 2 lần là do nguyên nhân di truyền, tiếp đến do bất thường về tử cung, một số bệnh lý nội tiết. Do vậy, cả hai vợ chồng nên đến khám tiền sản để tìm hiểu những bất thường về nhiễm sắc thể, hay những bệnh lý có nguy cơ gây sẩy thai. Trong những trường hợp không tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng Progesteron càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện có thai, nhằm giảm nguy cơ sẩy thai ở lần mang thai tiếp theo.

H- Những nguyên nhân gây sinh non? 

Đ-Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh non. Giới chuyên môn xếp 3 nhóm phụ nữ có nguy cơ sinh non gồm:

- Nhóm thứ nhất là nguy cơ do thai như: có nhiều hơn một thai (đa thai), thai quá lớn hoặc nước ối quá nhiều... làm cho tử cung căng to quá mức dễ dẫn tới chuyển dạ sớm.

- Nhóm thứ hai gồm: bất thường của tử cung (u xơ tử cung to, hở eo tử cung), nhiễm trùng đường tiểu, bệnh mãn tính của thai phụ (cao huyết áp, tiểu đường...), thai phụ nhẹ cân hoặc thừa cân khi mang thai, bệnh nhiễm trùng toàn thân gây sốt cao hoặc có phẫu thuật vùng bụng trong thời gian mang thai...

- Nhóm thứ ba gồm những nguy cơ do thói quen như: không đi khám thai đều đặn, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia trong thời gian mang thai hoặc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ...

H- Thưa cô! Con mới lập gia đình khoảng 6 tháng, con tính có con, nhưng giai đoạn mới thụ thai rất hay dễ sẩy thai, sức khỏe con không được tốt cho lắm. Lúc nào con cũng thấy mệt, lại bị cao huyết áp, con đang điều trị cao huyết áp. Cô có cách nào chỉ con để con phòng tránh tình huống sẩy thai ạ!
 

Đ-Con nên điều trị bệnh huyết áp cho thật ổn định và chỉ nên mang thai khi được sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Đồng thời con nên đi khám phụ khoa để kiểm tra tình trạng tử cung và buồng trứng, xác định những khiếm khuyết (nếu có) để điều trị trước khi quyết định mang thai.  

H- Hiện em đang mang thai tuần thứ 9. Đang đặt thuốc Utrogestan mỗi ngày 2 lần sáng tối. Nhưng trong ngày em tiết dịch âm đạo rất nhiều. Xin hỏi điều này có ảnh hưởng đến thai nhi? Cảm ơn bác sĩ nhiều ah. 

Đ-Em đang được kê toa sử dụng đặt Utrogestan mỗi ngày 2 lần sáng tối. Trong quá trình đặt thuốc mà có tiết dịch âm đạo nhiều, em cần tái khám để xác định nguyên nhân tiết dịch do. Phần lớn tiết dịch âm đạo là do nhiễm trùng, trường hợp này cần thiết phải được điều trị vì nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai. 

H-Em kết hôn được khoảng 2 năm và đã có một lần sảy thai sớm (4 tuần), một lần lưu (8 tuần không có tim thai). Em đã làm xét nghiệm Rubella, CMV và Toxoplasma, kết quả em đều có kháng thể với 3 loại virus này.
Sau đó em có thai lần 3, khi thai được khoảng 6 tuần, em bị động thai bóc tách 10% và đã nghỉ ngơi tại giường khoảng gần một tháng thì bác sĩ nói ổn. Đến tuần thứ 14, em phát hiện bụng bị gò nhiều và ra máu. Em nhập viện. Tại đây các bác sĩ đã cho em dùng nhièu loại thuốc nhưng vẫn không bớt. Cuối cùng em sinh non khi cổ tử cung mở và thai được 25 tuần 3 ngày. Trong quá trình điều trị, các lần siêu âm và xét nghiệm, cấy máu và nước tiểu cho thấy em có cổ tử cung dài (dao động từ 39 đến 47mm), nhau thai bám đáy, không bị nhiễm trùng máu và nước tiểu, âm đạo bị viêm nhẹ, thai phát triển bình thường (dựa vào siêu âm tiêu chuẩn và 4D).

Em sinh được 1 tháng rồi và vợ chồng rất buồn vì không giữ được con cũng như không biết nguyên nhân gây gò và sinh non.
Vợ chồng em đều là công nhân viên nhà nước, môi trường làm việc không độc hại. Chồng không hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống một chút bia. Em nghỉ ngơi nhiều mỗi lần mang thai.
Chúng em rất muốn có con, nhưng không biết nên thăm khám như thế nào để có được một thai kỳ an toàn và khi nào thì nên có thai lại, lần có thai tới chúng em nên làm gì.
Mong được bác sĩ tư vấn.

Đ-Nguyên nhân sẩy thai trong 3 tháng đầu đa số do bất thường của phôi (do trứng người vợ, hoặc tinh trùng người chồng, hoặc cả hai không tốt). Trong khi đó, nguyên nhân sẩy thai ở những tháng tiếp theo thường do bất thường của tử cung như: hở eo tử cung, có nhân xơ tử cung to hoặc hình dạng tử cung bất thường.

Trường hợp em bị 2 lần sẩy thai trong 3 tháng đầu và một lần sẩy thai ở tuần 25, như vậy, nguyên nhân dẫn tới sẩy thai của em rất phức tạp. Em cần được khám và điều trị ở trung tâm hoặc bệnh viện chuyên điều trị "sẩy thai liên tiếp". Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng sẽ được kiểm tra toàn diện về cấu trúc nhiễm sắc thể, tình trạng nội tiết, nhóm máu, những bất tương hợp giữa trứng và tinh trùng. Đồng thời, việc thăm khám phụ khoa sẽ giúp phát hiện có bất thường cấu trúc hoặc hình dạng của tử cung đi kèm hay không. Khi xác định được nguyên nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ có phương án giúp em có thai và giữ thai đến đủ tháng.

Cũng có trường hợp dù được khảo sát đầy đủ nhưng không tìm được nguyên nhân. Em vẫn có hy vọng mang thai và giữ đến đủ ngày tháng nếu em được theo dõi và điều trị đầy đủ tại cơ sở chuyên khoa từ lúc trước và trong thời gian mang thai.

Viêm nhiễm âm đạo cũng là một trong những nguyên nhân gây sinh non hoặc sẩy thai. Vì vậy, em cần được điều trị hoàn toàn trước khi quyết định mang thai lại.

H- Hiện nay em có 1 bé trai gần 3 tuổi. Cháu sinh thiếu tháng ở tuần thứ 32 do mẹ bị vỡ ối, cổ tử cung mở. Em dự định sẽ sinh thêm 1 bé nữa vào năm tới. Em nghe nói người nào bị sinh thiếu tháng lần thứ nhất rồi thì lần sau phải cẩn thận không sẽ thành lệ như lần trước. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp trước và trong quá trình mang thai em cần có những biện pháp như thế nào để có 1 thai kỳ khỏe mạnh, em bé sinh ra đủ tháng. Và những nguyên nhân nào từ mẹ sẽ dẫn đến em bé dễ bị sinh thiếu tháng. Các giải pháp để phòng tránh. Xin cảm ơn bác sĩ. 

Đ-Bé sinh non thường có nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, chậm phát triển... nguy cơ tử vong cao. Em đã từng sinh non ở tuần thứ 32 cần thiết phải tầm soát nguyên nhân trước khi dự định có thai. Trong trường hợp đã có thai, bác sĩ sẽ tầm soát những bệnh lý nhiễm trùng là nguyên nhân lớn gây sinh non, ngoài ra cổ tử cung ngắn cũng là một nguyên nhân đáng lưu ý. Trong trường hợp được chẩn đoán là cổ tử cung ngắn ở tuần thứ 16, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị dự phòng sanh non với Progesteron cho đến 34 tuần tuổi thai. Progesteron đã được chứng minh giảm được 30 % các trường hợp sinh non và an toàn trên thai.

Chúc em có nhiều sức khỏe!

H- Em đã sinh mổ 1 cháu được khoảng 1 năm thì có thai tiếp và bị lưu. Em bị đa nhân tuyến giáp nhưng các chỉ số nội tiết bình thường. Hiện giờ em đang muốn có thai tiếp thì nên làm những xét nghiệm, chuẩn bị sức khoẻ như thế nào để không bị ảnh hưởng tới lần mang thai tiếp theo này. Em cám ơn rất nhiều 

Đ-Do em không nói thai bị lưu ở thời điểm nào của thai kỳ nên tôi rất khó đoán được nguyên nhân dẫn tới tình trạng thai lưu của em. Một trong những nguyên nhân thường thấy là có thể do hai lần có thai gần nhau quá (sau sinh mổ được khuyên có thai lại sau 2 năm). Tùy theo nguyên nhân bị thai lưu của em mà bác sĩ có thể tiên liệu và có biện pháp phòng ngừa để không lặp lại tình trạng này. Vì vậy, em nên đến khám và tư vấn tại một cơ sở chuyên khoa sản uy tín, trước khi quyết định mang thai lần tiếp theo.

H- Tôi có sinh một bé gái năm tôi 29 tuổi, sinh lúc bé được 36 tuần, sinh mổ.
Năm nay tôi 35 tuổi và có thai một bé trai, đi khám tại bệnh viện Hùng Vương kết quả bình thường (đã làm tất cả các xét nghiệm, chích ngừa, siêu âm 4 chiều và chọc ối vì tuổi 35) nhưng lúc 26 tuần 3 ngày thì tôi bị đau bụng dữ dội và sinh non (chọc ối và sinh thường), bé được 1000g, sau 24 giờ thì bé mất.
- Cho tôi hỏi nguyên nhân tôi bị sinh non? Dù rằng trong thời gian khám thai tôi có nói cho bác sĩ biết là tôi đã sinh đứa đầu lúc 36 tuần nhưng bác sĩ nói con so sinh như vậy là bình thường.
- Tôi muốn có thai lại thì cần khám ở đâu trước và trong thời gian mang thai? Tôi rất sợ con bị sinh non. Mong bác sĩ cho lời khuyên. 

Đ-Thông tin em cung cấp rất khó để bác sĩ xác định nguyên nhân gây sinh non. Em nên đi khám ở bệnh viện chuyên khoa sản và cần cung cấp dữ kiện đầy đủ cho bác sĩ để tìm nguyên nhân điều trị và phòng ngừa sinh non ở lần mang thai sau.

H-Cháu đi khám thai thì được chẩn đoán là nhau bám qua lỗ trong cổ tử cung. Hiện thai được 13 tuần. Vậy điều này nguy hiểm như thế nào? Và cháu cần chú ý những gì để có một thai kỳ khỏe mạnh ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ!

Đ-Nhau bám qua lỗ trong tử cung ở thai 13 tuần không có nhiều nguy hiểm. Khi thai lớn dần, diện tích tử cung tăng lên thì nhau sẽ được kéo dần về phía đáy. Chỉ trong trường hợp thai quá 28 tuần nhưng nhau vẫn còn nằm tiếp cận lỗ trong tử cung thì được gọi là nhau bám thấp. Trường hợp này, cháu nên được khám và theo dõi ở một trung tâm - bệnh viện sản khoa lớn để có thể theo dõi sát và kịp thời điều trị khi có sự cố bất thường xảy ra.

Để có thai kỳ khỏe mạnh, cháu cần được ăn đủ chất, uống đủ nước trong ngày (hơn 2 lít), có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh những xúc động mạnh hoặc căng thẳng. Đồng thời, cháu nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

H- Kính thưa BS, em đang ở tuần 34-35 của thai kỳ, hơn tháng nay em cảm thấy em bé gò rất rất nhiều, có khi gò nhiều hơn đạp, và có cảm giác như em bé đang di chuyển trong bụng vì cứ thấy bụng nhấp nhô như sóng lượn. Vì em bé gò thường nên em không rõ đó có phải là những cơn gò sinh lý hay không, khi em bé gò cứng bụng thì em hay khó thở, tức ngực. Tần suất gò tuy không quá cận nhau nhưng cũng thường. Em lại ra huyết trắng khá nhiều tuy không ngứa, không hôi. Em đã đi khám, BS bảo không có gì và dặn theo dõi cử động thai. Em đang ở những tháng cuối, có nên đi lại nhiều cho dễ đẻ như ông bà hay nói? Xin cảm ơn BS 

Đ-Thai ở tuần thứ 34-35 có trọng lượng khá lớn, nên bà mẹ phải có cảm giác nhấp nhô khi lượn sóng khi bé cử động, lúc này cũng bắt đầu có những cơn gò tử cung sinh lý như bụng căng nhẹ, cơn gò cách nhau 30-60 phút và không gây đau. Thỉnh thoảng bé "đá nhẹ" lên cơ hoành làm bà mẹ có cảm giác tức ngực, nhưng chỉ thoáng qua, không gây khó thở.

Trong thai kỳ, do thai đổi nội tiết có thể tăng tiết dịch âm đạo. Nếu sự tiết dịch này không gây ngứa rát và không có mùi hôi thì không cần điều trị, chỉ cần vệ sinh vùng kín thông thường là được.

Suốt giai đoạn mang thai, mọi sinh hoạt kể cả tập thể dục ở mức độ vừa phải là có lợi. 

H- Thưa bác sĩ, em đang mang thai tuần thứ 31, đi siêu âm bác sĩ kết luận là dư ối với chỉ số là 18, sau đó em có thực hiện các xét nghiệm tiểu đường, siêu âm 4D để kiểm tra lại dị tật của thai nhi nhưng không phát hiện có gì bất thường. Em được biết dư ối thường dẫn đến sinh non, vậy cho em hỏi làm sao để khắc phục tình trạng dư ối? Việc dư ối có dẫn đến đa ối? Em cảm ơn bác sĩ (Anna, 32 tuổi)

Đ-Nguyên nhân dư ối có thể do thai to hoặc có thể không có nguyên nhân rõ ràng. Dư ối thường không gây nguy hiểm hoặc gây sinh non. Trong trường hợp đa ối, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân có liên quan đến dị tật thai hoặc viêm màng ối hay không. Trong trường hợp đa ối không tìm được nguyên nhân rõ ràng, thông thường bác sĩ sẽ theo dõi sát nguy cơ sinh non do tử cung căng giãn quá mức. Nếu phát hiện triệu chứng dọa sinh non, bác sĩ sẽ giúp em phòng ngừa sinh non bằng các loại thuốc giảm co tử cung khác nhau. Lưu ý đa ối hoặc dư ối không phải là lý do để hạn chế uống nước, vì vậy em nên chú ý uống đủ lượng nước trong ngày để bảo đảm cơ thể được cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết cho mẹ và con.

H- Chào bác sĩ,
Hiện em đang có thai 22 tuần. Công việc em khá nhiều áp lực nên dù đang có bầu nhưng em không có nhiều thời gian nghĩ ngơi. Tình trạng hiện nay của em có nguy hiểm không, vì công việc em đang làm khá căng thẳng, em không rõ có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi không. Mong bác sĩ tư vấn giúp. 

Đ-Trong thai kỳ, bà mẹ cần dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi thoải mái, tránh làm công việc nặng nhọc hay có áp lực cao. Nằm nghỉ ngơi tuyệt đối chưa được chứng minh là có lợi cho thai kỳ, nhưng các tác động tâm lý như căng thẳng, lo lắng... có thể tăng nguy cơ gây sẩy thai hoặc sanh non. Mong em có một chế độ làm việc hợp lý để có sức khỏe tốt và có cháu bé khỏe mạnh.

H- Bác sĩ cho em hỏi trong quá trình mang thai có tiêm được vaccin cúm ko ạ? Em đang thai 19 tuần, bác sĩ chỉ định tiêm phòng cúm tháng sau. (Thu huong, 32 tuổi)

Đ-Thường trong thai kỳ, thai phụ được chỉ định tiêm vác-xin ngừa uốn ván và hạn chế tiêm những loại vác xin khác, em nhé!

H- Em mang thai được 5 tuần và cách đây 1 ngày em ra máu âm đạo, đi khám BS cho toa thuốc là Utrogestan đặt âm đạo ngày 2 lần mỗi lần 1 viên 100mg. Em lo lắng là khi đặt âm đạo sẽ dễ ảnh hưởng và gây động thai? Nhờ BS tư vấn giúp em

Đ- Động thai có rất nhiều nguyên nhân, đa số thường là do nguyên nhân tại phôi (tại trứng thụ tinh), hoặc do cấu trúc tử cung bất thường (thí dụ như tử cung hai sừng, có u xơ tử cung…) chứ không phải do viên thuốc đặt vào âm đạo. Utrogestan có thể được dùng dưới 2 đường: đường đặt âm đạo và đường uống. Cả 2 cách dùng đều có tác dụng như nhau. Thông thường ở phụ nữ có thai,trong 3 tháng đầu tiên thường hay kèm theo nôn ói (do thai hành) nên việc cho thuốc qua đường uống tương đối khó khăn. Đường đặt âm đạo dễ hấp thu và tác dụng tại chỗ sẽ có lợi hơn.

H- Bác sĩ ơi cho cháu hỏi thiếu nước ối có nguy hiểm không a? 

Đ-Tùy theo mức độ thiếu nước ối nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng sức khỏe của thai nhiều hay không. Nước ối là môi trường sinh hoạt cũng như thể hiện tình trạng uống và tiểu của thai nhi. Nếu thiếu nước ối trầm trọng (được chẩn đoán là "thiểu ối") thì rất nguy hiểm cho thai và bác sĩ cần tìm hiểu nguyên nhân để có điều trị thích hợp và kịp thời. Một trong những biện pháp tức thì để cải thiện tình trạng thiếu nước ối của thai nhi là thai phụ cần duy trì mức độ uống nước lượng nhiều (mỗi ngày từ 2-3 lít). Thiểu ối có thể do những bất thường của thai nhi, trường hợp này thì không thể can thiệp được trong thời gian mang thai. Trường hợp thiểu ối do thai chậm tăng trưởng thì bác sĩ sẽ có chế độ theo dõi sát sức khỏe của thai, tìm nguyên nhân của thai chậm tăng trưởng để điều trị (nếu được) và quyết định chấm dứt thai kỳ ngay khi phát hiện tình trạng nguy hiểm của bé trong bụng mẹ. 

H- Thưa bác sĩ. Em mới vừa mổ phẫu thuật trĩ được 2 tháng. Trước đó em cũng bị có thai nhưng không có tim thai (đã được 6 tháng). Vậy khi nào em mới nên có bầu lại? Cám ơn BS. 

Đ-Phẫu thuật trĩ không liên quan đến kế hoạch có thai. 

Vì không đủ thông tin trong lần thai trước đây của em, nên không thể tư vấn cụ thể được. Em cần tới khám tại một cơ sở y tế để được khám, điều trị, tư vấn trực tiếp.

H- Chào bác sĩ! Năm nay em 31 tuổi vào tháng 5 em bị trễ kinh thử que lên 2 vạch nhưng khám thai chưa vào tử cung, niêm mạc dầy, thai dương tính, sau đó 1 tuần e ra huyết đi khám thì bs nói tử cung sạch và bình thường. Bác sĩ khuyên để sau 1 tháng hãy có thai lại, và hiện em đang mang thai được hơn 13 tuần, do em phụ quán ăn nên đi lại nhiều, sức khỏe tốt chỉ hay đau vùng xương chậu, bác sĩ cho em hỏi công việc của em có ảnh hưởng xấu đến thai hay không, tâm lý em không tốt do ám ảnh lần sảy thai trước nên em rất lo lắng cho lần này. 

Đ-Với công việc hiện tại, không có triệu chứng gì lạ, thai của em đang phát triển bình thường, nên em không cần phải thay đổi sinh hoạt hàng ngày. Em cần khám thai đúng lịch, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, không làm việc quá sức... Bác sĩ sẽ giúp em phát hiện những nguy cơ không có lợi cho cả mẹ lẫn con. Em không nên lo lắng quá mức. Một bà mẹ khỏe mạnh sẽ có những đứa con khỏe mạnh.

H- Chị gái em có tiền sử thiếu máu bẩm sinh thể nhẹ (không có biểu hiện bên ngoài, chồng chị khỏe mạnh, không thiếu máu), hiện tại đang mang thai ở tuần 28, qua khám thai định kỳ lần mới nhất có kết quả là: nhau bám thấp, em bé suy dinh dưỡng. Cả nhà đang rất lo lắng, xin bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng và theo dõi thai nhi tốt nhất trong thời gian còn lại của thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. 

Đ-Thiếu máu bẩm sinh là một trong những yếu tố dẫn tới thai chậm tăng trưởng và nếu có nhau bám thấp đi kèm xuất huyết âm đạo sẽ làm nặng thêm tình trạng thiếu máu của thai phụ. Đây là những yếu tố có khả năng gây sinh non và đe dọa tình trạng sức khỏe của thai trong bụng mẹ.

Em nên khám thai định kỳ đều đặn ở các trung tâm hoặc bệnh viện sản khoa lớn để bác sĩ có thể theo dõi sát tình trạng sức khỏe của bé và có biện pháp điều trị hỗ trợ như: bổ sung thuốc bổ máu, tư vấn dinh dưỡng... Nếu em có những dấu hiệu dọa sinh non hoặc có diễn tiến không tốt cho thai (thai suy trong bụng mẹ) thì bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.

H- Chào BS, tôi đang mang thai lần đầu và thai đang được 27 tuần. Hiện tại thai đang phát triển bình thường, nhưng bàn chân của tôi đang bị phù nhẹ, tôi đang lo không biết đến lúc sinh có bị nhiều hơn nửa không? Và việc phù chân này có ảnh hưởng gì đến tôi và thai nhi không? Xin bác sĩ hướng dẫn tôi làm thế nào cho thai kỳ của tôi được khỏe mạnh đến giai đoạn sinh nở được an toàn.

Đ-Một số thai phụ có thể bị phù chân do tư thế. Tuy nhiên, phù chân có thể là triệu chứng quan trọng của nhiễm độc thai nghén. Em cần khám thai để xác định có nhiễm độc thai nghén hay không vì nhiễm độc thai nghén có thể dẫn đến tiền sản giật, sản giật. Sản giật là một tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể gây tử vong mẹ và con. Việc cần thiết là em phải đi khám thai ngay bây giờ để được bác sĩ tư vấn trực tiếp.

H- Xin chào bác sĩ! Em bị xuất huyết âm đạo vào tháng thứ 5 của thai kỳ, được chẩn đoán nhau tiền đạo type 3 (em đang mang thai con đầu). Hiện nay thai đã được gần 7 tháng. Xin cho em hỏi nhau tiền đạo có phải là 1 trong những lý do dẫn đến sinh non hay không? Và nếu có thì có giải pháp nào để cải thiện? 

Đ-Thai từ sau tuần lễ thứ 28 thì nhau tiền đạo có thể liên quan đến nhiều biến chứng, trong đó có thể gây sinh non. Tùy theo loại nhau tiền đạo và thai phụ có bị xuất huyết nhiều lần trong thai kỳ hay không mà mức độ nguy hiểm sẽ cao hay thấp. Nếu chỉ là nhau bám thấp thì khả năng gây sinh non không cao. Nếu là nhau tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm thì khả năng đe dọa sinh non rất lớn. Tuy nhiên, nhau tiền đạo ở thời điểm thai gần 7 tháng thì chưa có gì nguy hiểm nên em không cần lo lắng nhiều.

Em nên giữ chế độ nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động nặng và theo dõi thai đều đặn để hạn chế những nguy cơ do nhau tiền đạo có thể mang lại. Em cần nhập viện ngay khi có dấu hiệu xuất huyết âm đạo dù ít để bác sĩ kịp thời điều trị cầm máu và phòng ngừa chuyển dạ sinh non.

H- Hiện cháu mang thai 35 tuần 5 ngày. Trước đây cháu bị lưu thai một lần nên rất lo lắng! Bác sĩ cho cháu hỏi em bé sinh bao nhiêu tuần thì được cho là đủ tháng? Bởi ai nhìn bụng cháu cũng nói là bụng sa lắm, sẽ sinh sớm. Cảm ơn bác

Đ-Thai 38-40 tuần được xem là đủ tháng. Tuy nhiên, thai 35 tuần 5 ngày có khả năng sống trên 95%. Nếu trước đây em từng bị thai lưu, em nên thảo luận với bác sĩ chăm sóc thai kỳ của em để có kế hoạch sinh bé trong lần này nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

H- Cháu bị sẩy thai ở tuần thứ 7 và đây là lần mang thai đầu của cháu. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám thì cháu bị phát hiện là thai bé chậm phát triển, không có tim thai. Cháu rất muốn biết nguyên nhân và sự chuẩn bị cần thiết (ví dụ xét nghiệm hay uống thuốc...) để lần sau được an toàn nhất.
Đ-Rất nhiều thai phụ bị sẩy thai ở lần mang thai đầu tiên, nguyên nhân thường do bất thường của phôi và hiện tượng này thường không lặp lại, trừ khi vợ hoặc chồng có những bất thường liên quan đến di truyền sẵn có.

Cháu đừng quá lo lắng cho lần mang thai sau. Hai vợ chồng nên giữ chế độ dinh dưỡng - làm việc - nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho lần mang thai sau. Đồng thời, cháu nên thăm khám phụ khoa để bác sĩ có thể phát hiện các bất thường về tình trạng tử cung, buồng trứng, nội tiết và các bệnh nội khoa (nếu có) để điều trị trước khi quyết định mang thai.

H- Em chào bác sĩ, hiện nay em đang mamg thai tuần thứ 20, cách đây 3 ngày em bị đau bụng và đi khám bác sĩ siêu âm kết luận là bị giãn rộng cổ tử cung 27mm và cổ tử cung hình con quay. Bác sĩ cho em hỏi cách điều trị để giữ cho thai được an toàn với ạ.  

Đ-Ở tuần thai thứ 20, cổ tử cung bị giãn rộng 27mm và có hình con quay có nguy cơ sẩy thai rất cao. Em cần thiết nhập viện ngay để được đánh giá lại, trong một số trường hợp bác sĩ chỉ định khâu cổ tử cung khẩn cấp, có thể giúp giữ được thai kỳ này. Nếu điều trị muộn hơn khi cổ tử cung mở thêm, thai bị tống xuất ở tuổi thai 20 tuần ít có khả năng nuôi sống được.

H- Em đã sẩy thai một lần, hiện đang mang thai tuần thứ 9. Lâu lâu lại thấy đau nhói ở lưng, xin hỏi bác sĩ điều này có nguy hiểm không? Ít nghén có phải là dấu hiệu không tốt? Xin bác sĩ cho lời khuyên.

Đ-Hiện tượng đau lưng trong thời gian mang thai rất thường xảy ra do thai phụ thay đổi tư thế đi đứng khác với lúc không mang thai gây căng và mỏi cơ lưng. Đau lưng không phải là dấu hiệu đặc biệt của dọa sẩy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, em cần đi khám bác sĩ sản khoa để có chẩn đoán chính xác và điều trị tình trạng đau lưng để tránh ảnh hưởng của nó lên sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

H- Thưa bác sĩ, em mang thai tuần thứ 9, từ khi mang thai em thấy huyết trắng ra nhiều và có màu vàng xanh, tuy nhiên em không bị ngứa hay rát. Vậy em có bị nhiễm nấm và có cần đi khám và điều trị không? mong bác sĩ tư vấn giúp em

Đ-Trong thời gian mang thai, âm đạo thường chỉ tiết dịch nhầy nhẹ, huyết trắng nếu có thường không màu, không mùi. Huyết trắng em mô tả thuộc dạng không bình thường, có thể là biểu hiện của tình trạng viêm nhiễm âm đạo - một trong những nguy cơ gây sẩy thai hoặc sinh non. Vì vậy, em nên đi khám thai và khám phụ khoa để bác sĩ có thể xác định nguyên nhân và điều trị tình trạng huyết trắng này càng sớm càng tốt.

BÁC SĨ PHỤ TRÁCH

  • BS. LÊ TRẦN ANH THƯ

    Bác sĩ CKI Sản phụ khoa trên 20 năm kinh nghiệm

    Giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng

    Nguyên trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ-KHHGĐ, Trung tâm Chăm sóc Sức Khỏe Sinh Sản TP. Đà Nẵng

    Nguyên trưởng phòng khám sản bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng